Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến người cao tuổi với nhiều chủ trương và chính sách liên tục qua các thời kỳ nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Ngay sau cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã có “Thư gửi các vị phụ lão” vào ngày 21/9/1945, trong đó, Bác đã thăm hỏi, chúc sức khỏe và nhắn nhủ những người cao tuổi tiếp tục nêu gương sáng và truyền dạy kinh nghiệm quý báu cho con cháu. Sau khi Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập (10/5/1995), Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 59/CT-TW “Về chăm sóc người cao tuổi”, quy định: “Việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”. Luật Người cao tuổi năm 2009 đã dành toàn bộ chương II để quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi. Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu tổng quát là phát huy vai trò của người cao tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tại xã Bình Sa, UBND xã đã ban hành các văn bản về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam trên địa bàn xã, với mục tiêu chung là phát huy vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và tình hình phát triển kinh tế, xã hội của xã, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi, đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe cũng như chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao đời sống vật chất của người cao tuổi.
Người cao tuổi tổ chức mừng thọ
Kể từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, có nghĩa là, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có hai người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60 tuổi). Hay nói một cách khác, bình quân hai người lao động nuôi một người phụ thuộc. Thời kỳ đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của bất kỳ một quốc gia nào. Đây là một cơ hội “vàng” khi sử dụng một lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010 - 2020. Sau giai đoạn dân số vàng sẽ bước sang giai đoạn dân số già. Khoảng cách giữa hai giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào tốc độ già hóa dân số. Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 8/2018, cả nước có hơn 11,31 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó, khoảng 65% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, 23% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo đa chiều. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và đến năm 2050 là 23%. Từ năm 2030, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”; sau năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sẽ gây những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Trước thực tế này, vấn đề đặt ra là phải chú trọng can thiệp, điều chỉnh sớm chính sách, pháp luật về người cao tuổi, đặc biệt là việc chăm sóc, trợ giúp, để bảo đảm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội, đất nước.
Hàng năm, nước ta đều tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam nhằm nâng cao ý thức của người cao tuổi và huy động cả cộng đồng chăm lo cho người cao tuổi. Năm 2020, với chủ đề: “Chung tay chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi”, Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm nay diễn ra từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/10/2020 với các hoạt động chăm sóc sức khỏe, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương khen thưởng người cao tuổi, vận động các nguồn lực chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn...
Người cao tuổi là nguyên khí quốc gia, là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận. Vì vậy, mọi người phải quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống vật chất và tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi. Đó vừa là trách nhiệm của chúng ta đối với những bậc tiền bối đã có những đóng góp lớn lao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng đó cũng vừa là quyền lợi của bản thân một khi chúng bước vào giai đoạn phát triển cuối của con người./.